image banner
THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO “PHẦN MỀM THEO DÕI ĐIỆN THOẠI” - HÃY CẢNH GIÁC!

THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO “PHẦN MỀM THEO DÕI ĐIỆN THOẠI” - HÃY CẢNH GIÁC!

              Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Phú Yên thông tin

              Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng ANM & PCTP sử dụng công nghệ cao Công an Phú Yên nhận thấy thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện rất nhiều quảng cáo về các phần mềm có khả năng theo dõi điện thoại, đọc tin nhắn của người khác

              Các đối tượng lừa đảo quảng cáo rằng phần mềm của họ có thể “bí mật” theo dõi điện thoại, đọc được tin nhắn điện thoại, Zalo, Messenger của bất kỳ ai mà không cần phải cài đặt trên điện thoại của họ. Với những lời quảng cáo hấp dẫn, được trình bày chuyên nghiệp, nhiều người đã tin tưởng và trả tiền để mua các phần mềm theo dõi điện thoại giả mạo này.

              Tuy nhiên, đằng sau những lời quảng cáo ấy là chiêu trò lừa đảo tinh vi để chiếm đoạt tiền của người dùng. Vậy các đối tượng lừa đảo thực hiện những thủ đoạn gì? Những ai là nạn nhân của chiêu trò này? Người dùng Internet nên đề cao cảnh giác như thế nào để không sập bẫy của bọn chúng? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết thủ đoạn lừa đảo này để biết cách nhận biết và phòng tránh hiệu quả nhất.

              THỦ ĐOẠN CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG LỪA ĐẢO

              Các đối tượng lừa đảo thường tự nhận là nhân viên của một công ty công nghệ có thật, lập ra các website, fanpage, hội, nhóm với tên tuổi, thương hiệu giống hệt công ty thật cùng với các thông tin địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế,... rõ ràng để đánh lừa người dùng.

              Bên cạnh đó, chúng còn tạo các tài khoản cá nhân “ảo”, giả danh là nhân viên công ty để tương tác với nạn nhân. Sau khi thiết lập các website, fanpage có vẻ ngoài chỉn chu, chuyên nghiệp, chúng sẽ đăng nhiều bài viết, video được thiết kế rất bắt mắt, nội dung hứa hẹn nhiều tính năng hấp dẫn như theo dõi định vị, đọc trộm tin nhắn, nghe lén cuộc gọi thông qua số điện thoại đối phương, khôi phục những thông tin đối phương đã xoá, theo dõi Zalo, Facebook Messenger… với khẳng định phần mềm này có thể bí mật theo dõi điện thoại, đọc tin nhắn của gia đình, người thân, bạn bè hay người yêu…

              Điểm tinh vi trong các bài quảng cáo là các đối tượng luôn dẫn chứng rằng phần mềm do chính công ty họ phát triển và đã được bán cho rất nhiều khách hàng sử dụng. Bên dưới các bài viết còn có phần bình luận tích cực của các tài khoản “ảo” khen ngợi phần mềm và công ty. Ngoài ra, việc sử dụng các website, fanpage có “vỏ bọc” chuyên nghiệp cũng khiến nhiều người mất cảnh giác, tin tưởng đây là công ty uy tín. Chính các chi tiết nhỏ này đã khiến các thủ đoạn của bọn chúng thành công.

              Khi người dùng tin tưởng và comment hỏi mua phần mềm, các đối tượng sẽ chủ động nhắn tin, gọi điện "tư vấn" giới thiệu sản phẩm. Cụ thể, khi có người quan tâm và hỏi mua phần mềm, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân đầu tiên phải mua một mã kích hoạt với giá rất rẻ khoảng vài trăm ngàn đồng. Sau đó, hướng dẫn cài đặt phần mềm để “bí mật” theo dõi điện thoại, đọc tin nhắn của người khác.

              Khi nạn nhân đã “cắn câu” mua mã kích hoạt thì thủ đoạn của các đối tượng là yêu cầu nhập mã kích hoạt vào phần mềm lập tức sẽ xuất hiện thông báo mã kích hoạt nhập sai hoặc mã kích hoạt bị lỗi; đồng thời yêu cầu nạn nhân phải mua mã khác kèm theo các chi phí như phí an ninh, phí gia hạn... với lời hứa hẹn sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền khi mua mã kích hoạt mới này.

              Khi nạn nhân đồng ý và chuyển khoản thì đối tượng lại tiếp tục sử dụng thủ đoạn khác như lỗi ngân hàng, phí đóng hồ sơ... để tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển tiền và cũng cam kết sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chuyển khoản. Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi nạn nhân không còn khả năng chi trả, các đối tượng sẽ chặn liên lạc, xóa bỏ mọi dấu vết và biến mất cùng số tiền đã chiếm đoạt được

              ĐỐI TƯỢNG MỤC TIÊU

              Mục tiêu nhắm tới của các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn quảng cáo “phần mềm theo dõi điện thoại” chủ yếu là những người trung niên, ít hiểu biết về công nghệ với tâm lý tò mò muốn "thử nghiệm" xem phần mềm có thực sự hoạt động như quảng cáo hay không; những người đang có mâu thuẫn, bất đồng, nghi ngờ trong hôn nhân gia đình, tình cảm hoặc muốn kiểm soát con cái, người yêu...

              Như vậy, có thể thấy động cơ thúc đẩy những nạn nhân trên “sập bẫy” phần lớn xuất phát từ sự tò mò, nghi ngờ, ghen tuông và muốn kiểm soát, can thiệp vào cuộc sống riêng tư của người khác. Chính điều đó đã khiến họ dễ trở thành “con mồi” của các đối tượng lừa đảo.

              HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG CHO NẠN NHÂN VÀ XÃ HỘI

              Hậu quả của thủ đoạn cài đặt phần mềm đọc trộm tin nhắn không đơn giản chỉ là bị chiếm đoạt tiền mà còn có nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu cá nhân trên điện thoại của nạn nhân. Bởi các phần mềm giả mạo được yêu cầu cài đặt thường đi kèm các mã độc, vi rút nguy hiểm có thể đánh cắp dữ liệu cá nhân trên thiết bị di động của người dùng hoặc tạo điểm truy cập để hacker đột nhập, chiếm quyền điều khiển thiết bị. Chúng âm thầm thu thập thông tin, dữ liệu nhạy cảm rồi chuyển về máy chủ để phục vụ cho các hành vi phạm tội khác.

         PHÒNG ANM & PCTP SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO CÔNG AN PHÚ YÊN KHUYẾN CÁO

          Người dùng tuyệt đối không tin vào những lời quảng cáo, rao bán phần mềm có công dụng theo dõi, xâm nhập vào thiết bị của người khác để truy cập, thu thập thông tin cá nhân. Các phần mềm có khả năng theo dõi, xâm nhập vào thiết bị của người khác một cách bất hợp pháp đều vi phạm pháp luật. Do đó, người dùng tuyệt đối không được cài đặt, sử dụng để tránh vi phạm pháp luật.

         Không truy cập vào các đường link lạ hoặc cài đặt bất cứ phần mềm, ứng dụng nào từ những nguồn không rõ ràng, không đáng tin cậy. Nhiều đường link, phần mềm, ứng dụng độc hại có thể đánh cắp thông tin cá nhân, mật khẩu, hoặc chiếm quyền điều khiển thiết bị của bạn từ xa để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

         Để phòng tránh thủ đoạn lừa đảo nguy hiểm này, điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác và cập nhật thông tin về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lợi dụng không gian mạng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật một cách thường xuyên; đồng thời tuyên truyền, chia sẻ thông tin đến người thân, gia đình, bạn bè chính là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn vấn nạn lừa đảo trực tuyến hiện nay, góp phần xây dựng môi trường mạng trong sạch, lành mạnh.

 

Nguyễn Thị Thu Thắm (ST)
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 145
  • Trong tuần: 690
  • Tất cả: 113,833

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND PHƯỜNG 2
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG 2
Chịu trách nhiệm nội dung: Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND Phường 2
Địa chỉ: 06, Đường Nguyễn Huệ, Phường 2, Thành Phố Tuy Hoà, Phú Yên
Điện thoại: -
 Email: phuong2.tuyhoa@phuyen.gov,vn